Home

Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2011

Ứng xử linh hoạt với những tình huống sư phạm

Trước mặt học trò, giáo viên thường phải ứng xử đúng mực, khuôn phép nhưng không thái quá. Nghiêm nhưng không ác, hiền nhưng không suồng sã.Vì thế, sự kiềm chế cảm xúc, đặc biệt trong khi nóng giận là vô cùng cần thiết.

Có những tình huống sư phạm mà Bạch Dương luôn coi là những kỷ niệm và cũng là những bài học kinh nghiệm trong suốt hành trình dạy học của mình cho đến nay. Xin chia sẻ với bạn đọc:

Kỷ niệm về một người thầy:

Ngày học cấp 3 (nay là phổ thông trung học), bộ môn Kỹ thuật nông nghiệp rất khó làm cho học sinh ở thành thị như chúng tôi tiếp thu một cách hứng thú các kiến thức như trồng trọt, chăn nuôi...v.v(vốn đã rất xa vời với thực tế cuộc sống hàng ngày), đã thế cô giáo dạy môn này lại hay tỏ ra nghiêm nghị một cách thái quá, không khi nào cô nở nụ cười với lớp, cô luôn xưng “tôi” và gọi học sinh là “các anh, các chị” (điều này học sinh rất không thích và thực ra cô đã vi phạm quy chế xưng hô với học sinh phổ thông), những tiết học của cô thường mang lại cảm giác nặng nề, ngột ngạt. Một số bạn nam nghịch ngợm thấy thế lại càng hay trêu cho cô thêm bực. Đến một hôm, sau mười lăm phút kiểm tra bài cũ rất căng thẳng vì chẳng bạn nào trong số 3 bạn lên bảng thuộc bài cũ với nội dung: "Chọn giống lợn nái", tranh thủ lúc cô quay mặt vào bảng viết tiêu đề bài mới, một bạn nam đã huýt sáo theo giai điệu “bắt cô trói cột”, giận quá, cô đột nhiên quay lại và nhổ một bãi nước bọt ngay dưới bục giảng rồi bỏ lớp học lên văn phòng! Thầy hiệu trưởng xuống quát nạt lớp tôi một hồi, yêu cầu bạn lớp trưởng phải thay mặt lớp làm kiểm điểm rồi lấy chữ ký của cả lớp xin lỗi cô và thày! ( sau này khi đã là cô giáo tôi thấy cách xử lý của thày hiệu trưởng như vậy là không công bằng, hành vi sư phạm của cô với tập thể lớp tôi như vậy cũng là không thể chấp nhận được).Tôi luôn nghĩ: Giá như cô luôn tỏ thái độ gần gũi với học trò bằng ánh mắt, nụ cười cùng lời nói truyền cảm thay vì lúc nào cũng mang nét mặt căng thẳng xa cách thì có lẽ sẽ không xảy ra sự việc trên.Năm năm sau đó, tôi rơi vào trường hợp khó xử ở một lớp cuối cấp, vì là cô giáo trẻ mới ra trường nên tôi không tránh khỏi tình trạng đôi khi bị một số học sinh nam lớn tuổi có biểu hiện trêu đùa không đúng mức: mời bạn click vào đây: BUỒN - VUI - NGHỀ DẠY HỌC.


Lần khác, đang viết bảng, tiếng một học sinh đủ cho cả lớp nghe rõ: “Đ.M. đứa nào chửi tao!” . Tôi quay xuống lớp hỏi ai nói nhưng không em nào nhận, lần thứ hai tôi nhắc: "Cô nhắc lại em nào nói hãy tự nhận, cô cho cơ hội cuối cùng!”. Vẫn im lặng! Không thể kiên nhẫn hơn, tôi nói với lớp: “Xin lỗi cả lớp, cô không thể tiếp tục lên lớp, các em tự quản và bảo nhau, bạn nào đó đã chót có lỗi hãy dũng cảm nhận khuyết điểm và xin lỗi lớp!”, Rồi tôi lên văn phòng mang theo cảm giác rất bực. Ngày hôm sau, em học sinh đó đã mang bản kiểm điểm và trình diện với tôi, em đã nhận lỗi với lớp và mong được tôi tha thứ, rồi xin hứa từ nay trở đi sẽ nghiêm túc trong mọi giờ học, sau sự việc ấy tôi vẫn vui vẻ bình thường với em, coi như chưa hề có việc xảy ra hôm trước, tôi cũng nói với cô chủ nhiệm của em là đừng vì sự việc hôm đó mà hạ bậc xếp loại hạnh kiểm của em. Khi em ra trường, gặp lại tôi em nói là ngày ấy em rất sợ bị tôi “trù” và em cảm ơn lòng bao dung, vị tha của tôi. Mỗi khi học sinh lên bảng không thuộc bài cũ, mặc dù không vui nhưng tôi luôn tỏ thái độ từ tốn không trù dập hay mắng mỏ các em, luôn tìm hiểu xem lý do vì sao em chưa thuộc bài (việc này tôi hay làm sau giờ học, gặp riêng để hỏi), với học sinh tôi luôn sẵn sàng giải thích những điều các em chưa hiểu với thái độ tận tình, vui vẻ, có như vậy các em mới không giấu dốt, tôi luôn nói với học trò: “Cô không ngại trả lời, cô chỉ ngại các em giấu dốt!”, một điều cô, hai điều gọi học sinh là em, trường hợp học sinh lên bảng không thuộc bài tôi cũng không cáu giận mà chỉ nói: “ Cô rất buồn khi phải cho em điểm kém, cô mời em về chỗ!”. Có lẽ vì thế nên sau này những giờ dạy của tôi, học sinh chú ý nghe giảng hơn và không quậy phá. Bằng tình cảm, lời nói của mình, tôi đã gần gũi, cảm hóa được những học sinh trước đây bị coi là cá biệt.Việc ứng xử với học trò, kinh nghiệm của người này không thể truyền cho người khác, thậm chí, ở cùng một giáo viên cũng không thể nhất nhất sử dụng một phương pháp này hay giải pháp kia. Mỗi tình huống khi lên lớp thực sự là một thử thách để người giáo viên tự trau dồi bản lĩnh nghề nghiệp của mình. Nhưng, thiết nghĩ việc kìm chế cảm xúc, thái độ ân cần, lời nói dịu dàng ...xuất phát từ chữ TÂM và chữ NHẪN của mỗi người thầy thì không thể thiếu. ...

Và: Cách xử lý đáng tiếc với những tình huống sư phạm gần đây:

Cách đây không lâu, báo chí vừa đưa tin về việc một cô giáo do nóng giận đã chửi học sinh ở Hải phòng, dư luận trong nhân dân chưa kịp nguôi thì gần đây (VnExpress – 14:31 Thứ hai, ngày 11 tháng tư năm 2011)trong một buổi sinh hoạt lớp 3A Trường Tiểu học B Vĩnh An, xã Vĩnh An của huyện Châu Thành (do cô giáo Huy chủ nhiệm) có nhiều học sinh ham chơi cứ ngồi xếp máy bay, xếp giấy giật cho nổ làm mất trật tự. Do quá nóng tính nên cô Huy đã bắt 8 học sinh đứng dậy ăn hết những tờ giấy đang xếp trên tay rồi cô bước ra khỏi lớp đóng sầm cửa lại!Vì sợ cô nên các em cố nuốt giấy và sau đó bị đau bụng!!! Sự việc đang gây rất nhiều bức xúc trong nhân dân.Trong trường hợp này, có thể nói giáo viên bậc tiểu học là vất vả nhất trong việc uốn nắn, dạy dỗ học sinh do đặc điểm tâm lý của các em còn nhỏ, chưa biết suy nghĩ sâu, chưa hiểu rộng, còn ham chơi, thiếu tập trung nên nhiều lúc hành động bột phát, thích là làm khiến người thày bức xúc, khó chịu, nhưng nếu người thày luôn xác định vai trò của mình là “mẹ hiền thứ hai” của các em thì rất cần những lời chỉ bào ân cần, cặn kẽ (biết là rất mệt mỏi nhưng không thể không kiên nhẫn), người thày không thể tùy tiện dùng những hình phạt trái với lương tâm như cô Huy đã áp đặt với học sinh được!Nghề giáo viên không thể tránh khỏi những tình huống học sinh làm không vừa ý ngưởi thày ("Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò", lời dặn của người xưa không bao giờ sai). Nhưng đã theo nghề nhà giáo, thì có nghĩa là chúng ta phải học cách kìm chế bản thân (chữ NHẪN). Phải luôn xác định mỗi người thày là một nhà tâm lý (điều này giáo sinh sư phạm nào cũng được trang bị đầy đủ kiến thức từ khi bắt đầu học sư phạm rồi), có như vậy sự nghiệp giáo dục mới đạt hiệu quả . Ngoài việc truyền đạt tri thức, người thầy, người cô còn ảnh hưởng tới việc hình thành nhân cách cho các em thông qua lời ăn tiếng nói, cử chỉ, thái độ, đầu tóc, quần áo, đi đứng…thậm chí đến cả móng chân móng tay,(ở nước ngoài, có quy định riêng cho giáo viên là không để móng tay dài, cũng không tô màu móng chân móng tay lòe loẹt!).Khi gửi những dòng viết trên đây, Bạch Dương không có tham vọng lớn, chỉ muốn nhắn gửi tới những người thày, người cô trong tương lai, cũng là những người bạn đồng nghiệp của mình hãy coi những tình huống sư phạm trên là một trong muôn vàn tình huống sẽ đến với chúng ta trên con đường dạy học, để từ đó chúng ta cùng rút ra những kinh nghiệm cho bản thân và cùng nhau xây dựng nền giáo dục nước nhà không còn những “con sâu” làm “rầu nồi canh” giáo dục như hiện nay nữa!Chúc các bạn thành công trong sự nghiệp giáo dục mà mình đã chọn và hạnh phúc trong cuộc sống .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bài đăng phổ biến